Sâu sắc trong kiến thức và nồng nàn trong cảm xúc để có những giờ dạy thuyết phục
(14:33:34 PM 10/05/2018)

Được học hỏi lẫn nhau để các giờ học, môn học ngày càng trở nên ý nghĩa. Bởi dạy học không đơn thuần là một công việc để nuôi sống bản thân, gia đình. Các thầy cô giáo có mặt trong buổi tọa đàm Kinh nghiệm quý - Ý tưởng hay đã đón nhận nhiệt tình bài chía sẻ của cô giáo Lê Thị hồng Hanh (Tổ trưởngTổ Ngữ văn). Bài chia sẻ có nhan đề "Sâu sắc trong kiến thức và nồng nàn trong cảm xúc để có những giờ dạy thuyết phục".

 I. Đặt vấn đề

Từ khi còn là học sinh trung học, tôi rất thích câu ngạn ngữ của người Nga: “Tất cả mọi nghề đều cao quý. Bạn hãy chọn lấy một nghề”. Và tôi luôn tâm niệm: Nghề nào cũng có những ưu điểm, vinh quang nhưng cũng không ít những nhọc nhằn. Song muốn thành công, bạn phải giỏi trong nghề nghiệp mà mình đã chọn. Nếu không, bạn chỉ là cái bóng của người khác mà thôi (như cách nói của đạo diễn điện ảnh, NSND Nguyễn Hải Ninh).

Và tôi đã chọn nghề dạy học. Một nghề cao quý nhưng cũng thật khó khăn. Muốn giỏi nghề, tôi cần không ngừng học tập, rèn luyện bản thân để thuyết phục học trò bằng sự nồng nàn trong cảm xúc và sâu sắc trong kiến thức chuyên môn.

Cô giáo Lê Thị Hồng Hạnh trong phần chia sẻ rất cuốn hút người nghe

II. Nội dung

Là một giáo viên dạy Ngữ văn, tôi luôn nghĩ: Cần phải làm mới bản thân mình về cảm xúc và tri thức làm cho việc dạy - học trở nên hiệu quả, để cuốn hút, thuyết phục học sinh.

1.     Nồng nàn trong cảm xúc

Cảm xúc của người giáo viên trong dạy học là tình yêu cuộc sống, yêu bản thân mình, yêu nghề nghiệp, con người và tình yêu đối với mỗi bài dạy. Vì thế, tôi luôn xác định tâm thế của mình trước mỗi giờ dạy: Sẽ được lên lớp để dạy học trò.

Tình yêu cuộc sống, yêu bản thân mình, tình yêu nghề nghiệp: Mỗi chúng ta được sống trên đời đã là một hạnh phúc. Duyên may cho tôi và các thầy cô đến với nghề dạy học. Là “nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý” (Hồ Chí Minh). Có thể cuộc sống của ta còn những điều chưa vừa ý. Nhưng tôi luôn hiểu giá trị của cuộc sống và trân trọng hạnh phúc bình dị mà mình đang có. Tôi yêu bản thân mình và yêu cuộc đời. Nhỏ nhỏ thôi, nhưng tôi vui vì thấy mình còn mạnh khỏe, quan tâm đến việc làm cho ngoại hình đẹp hơn một chút, yêu thương sẻ chia với mọi người. Và tôi thấy yêu đời.

Dù vậy, mỗi người giáo viên đều chịu sự chi phối giữa những bộn bề của cuộc sống thường nhật. Nỗi buồn hay sự lo toan… đều ảnh hưởng không nhỏ đến bài dạy khi lên lớp. Vì thế tôi luôn cố gắng gạt bỏ mọi tâm lí không vui của con người đời thường ngoài cổng trường, tập cho mình một thói quen khi gặp các học trò: Mình là một giáo viên, giờ học cần thật vui vẻ và hào hứng.

Tình yêu đối với con người - là tình yêu những học trò thân thương: Vì tình yêu ấy nên tôi thương quý và mến yêu các con. Tôi tìm thấy ở học trò tình yêu, sự gần gũi, thân thiện, sự sẻ chia và cả lòng ngưỡng mộ. Các con cho tôi biết, mình có ưu điểm và hạn chế gì, qua những lời nhận xét chân thành. Để từ đó mà dần hoàn thiện bản thân. Qua những lời tâm sự, tôi biết học trò đang yêu - thích ai, muốn làm nghề gì, hoàn cảnh gia đình của các con ra sao… và thái độ của con đối với việc học tập thế nào. Những hiểu biết này rất có ích khi dạy học. Vì khi ấy, thầy cô sẽ là người tâm lí và nhạy cảm. Không chỉ thế, tôi còn nể phục, ngưỡng mộ các con vì những tình cảm và rung động sáng trong, về khả năng ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, hội họa, phản biện và tư duy logic… Mỗi giờ dạy - học của tôi không đơn thuần là một giờ mà cô giáo là người truyền thụ kiến thức, còn học sinh là người tiếp thu kiến thức. Tôi thường giao nhiệm vụ tìm hiểu và xây dựng bài học phù hợp với năng lực của mỗi cá nhân học sinh. Lắng nghe đề nghị và yêu cầu của các con để phát hiện và khai thác ưu điểm của mỗi học trò. Tôi sẵn sàng “lùi lại phía sau” để học trò được bộc lộ năng lực của bản thân mình rõ hơn. Trao đổi, cùng các con sẻ chia để có những cách tiếp cận bài học nhẹ nhàng mà vẫn phong phú, sâu sắc. Và chúng tôi (giáo viên và học sinh) học tập được ở nhau nhiều hơn. Vì học trò luôn có cách tiếp cận kiến thức không giống giáo viên nên nhiều khi các con cũng có suy nghĩ thật mới lạ và độc đáo. (Có lẽ, đây là yếu tố quan trọng làm nên sức sống bền lâu của mỗi tác phẩm văn học, đối tượng của môn học mà tôi giảng dạy). Tôi không ngại khen ngợi học sinh hay công nhận những ý hiểu mới của các con. Thậm chí còn cho điểm 10 với những câu trả lời hay cùng lời cam kết: “Cô sẽ bổ sung ý kiến của con vào bài giảng của mình”. Và điều đó đã được các con kiểm định vì những ý kiến hay của một số học sinh các khóa trước cũng đã được cô chia sẻ (tôi có trích nguồn: Học sinh nào, lớp nào, khóa bao nhiêu…). Trong mỗi giờ dạy - học, tôi luôn giao tiếp với học sinh bằng ánh mắt thân thiện, gương mặt chờ đợi và đồng cảm với những điều mới ở các con. Vì thế, “Yêu người bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu”.

Dù vậy, trong quá trình học tập, giáo viên vẫn là người định hướng và chốt lại kiến thức sau khi chia sẻ. Làm trọng tài thật thuyết phục trong các cuộc tranh biện tưởng như không có hồi kết.

Tình yêu đối với mỗi bài dạy: Không ít người, trong đó có cả học sinh, thường nghĩ rằng: Dạy học là một công việc nhàm chán. Bởi cũng chừng ấy kiến thức, năm nào cũng dạy, nói đi nói lại từng ấy điều… Riêng tôi luôn nghĩ khác: Mỗi bài học sẽ thật mới mẻ và thú vị nếu ta suy nghĩ sâu về nó để khám phá ra những giá trị mới, tìm một phương pháp dạy học tích cực hơn, thay đổi kết cấu bài dạy, định lượng kiến thức cho phù hợp với mỗi đối tượng học sinh.

          Có rất nhiều phương pháp dạy học mới, tích cực. Nhưng ta không thể áp dụng một cách công thức, máy móc tất cả các phương pháp như nhau trong tất cả các bài học. Người giáo viên cần nhạy cảm khi nhìn nhận và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp. Trong những phương pháp dạy học tích cực ấy, tôi đặc biệt thích phương pháp KWLH (là viết tắt của các chữ KNOW, WANT, LEARN, HOW) cho mỗi bài dạy Ngữ văn. Vì đặc trưng bộ môn, mỗi tác phẩm văn học đều có chiều sâu về giá trị nội dung và nghệ thuật mà không ai có thể nói hết được. May thay, phần tác phẩm được in trong sách giáo khoa. Còn lại, cô trò chúng tôi có rất nhiều “đất” để cùng tìm hiểu và khai thác. Với phương pháp KWLH giáo viên có thể hiểu rất rõ: học sinh đã biết gì, muốn biết thêm về những kiến thức nào, học được gì và cách học của các con ra sao… Những hiểu biết này là định hướng quan trọng để giáo viên có một bài soạn như ý, phù hợp với nhu cầu học tập của mỗi học sinh. Bài học vì thế mà không bao giờ nhàm chán và xưa cũ. Cho dù học trò có thể đọc rất nhiều tài liệu ở mọi nơi, nhưng bài học của cô vẫn sẽ đem đến những điều mới lạ, hấp dẫn. Vì các con được đáp ứng các yêu cầu về bài học ấy.

Tôi nghĩ, nếu không có tình yêu đối với mỗi bài dạy, mà cốt lõi là tình yêu nghề nghiệp và yêu học trò thì ta khó có thể làm được như vậy.

2. Sâu sắc trong kiến thức

Trong mỗi giờ dạy - học, nếu nồng nàn trong cảm xúc là những yếu tố quan trọng hấp dẫn thì sâu sắc trong kiến thức là điều kiện cốt yếu để thuyết phục học trò. Hiểu điều này, nên tôi đã nỗ lực học tập mỗi ngày, đặc biệt là về kiến thức chuyên ngành và muôn màu của cuộc sống đời thường để phục vụ trực tiếp cho môn học.

Tôi đã học tập rất thường xuyên. Có thể đọc các sách chuyên ngành, báo hay tạp chí, đọc lại các cuốn tiểu thuyết kinh điển và đọc những quyển sách mới (cho dù là ngôn tình), nghe những bài hát mới, để tăng cường hiểu biết, để gần học trò hơn; xem thời sự, xem phim, học ý tưởng mới của học trò trong các giờ học và các bài thi… để tổng hợp và kết nối những kiến thức ấy một cách uyển chuyển, sáng tạo trong mỗi bài dạy.

Chẳng hạn, khi dạy bài thơ “Chiều tối” (Hồ Chí Minh), tôi đã tìm cho mình một hướng đi riêng biệt bằng sự tổng hợp, kết nối kiến thức đã đọc được cùng sự sáng tạo của bản thân. Thay vì cứ tìm hiểu từng câu chữ của bài thơ rồi ra đề luyện tập cho học sinh là: Phân tích bài thơ “Chiều tối” của Hồ Chí Minh hoặc cảm nhận bài thơ “Chiều tối” của Hồ Chí Minh để làm rõ sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc cổ điển và tinh thần thời đại (trong khi học sinh chẳng hiểu thế nào là màu sắc cổ điển hay tinh thần thời đại). Tôi đã đọc và giúp học sinh hiểu cụ thể thế nào là màu sắc cổ điển và tinh thần thời đại của “nhật kí trong tù”. Tôi hướng dẫn học trò đọc hiểu tác phẩm để rút ra các những biểu hiện đó. Các con không chỉ có kiến thức sâu sắc về bài thơ “Chiều tối” mà còn có kiến thức cơ bản và phương pháp để đọc hiểu bất kỳ một tác phẩm nào khác trong “Nhật kí trong tù”. Sau khi đọc hiểu xong hai câu thơ đầu của bài thơ “Chiều tối”, một học trò đã nói ngay trong lớp học: Sao cô có thể nghĩ ra nhiều đến thế trong chỉ có hai câu? Giản dị thôi nhưng đối với tôi là một hạnh phúc. Và tôi lại cố gắng học tập nhiều hơn để thuyết phục học trò bằng tri thức của mình.

Kiến thức của bộ môn Ngữ văn không đơn thuần là lí thuyết. Mà những kiến thức ấy bắt nguồn từ cuộc đời nên rất đời. “Văn học là nhân học” (M.Gorki). Vì thế tôi luôn khơi gợi, hướng dẫn học trò liên hệ bài học với thực tế cuộc sống, để các con rút ra Bài học cuộc đời. Sự liên hệ được tích hợp uyển chuyển trong cả quá trình và ở cuối bài học. Kiến thức vì thế không còn lí thuyết, hàn lâm mà gần gũi với cuộc sống và được học trò ghi nhớ lâu hơn. (Nội dung này tôi đã viết một Sáng kiến kinh nghiệm chuyên môn và được Thành phố xếp loại B)

Cho dù đã 23 năm đứng trên bục giảng, nhưng tôi luôn cảm thấy áp lực vì những giờ thao giảng hàng năm, nhất là những giờ thi Giáo viên dạy giỏi. Và tôi tin, đây cũng là áp lực với các thầy cô, nhất là các bạn đồng nghiệp trẻ. Song, không ai có thể phủ nhận được giá trị quan trọng của các giờ dạy này. Đây chính là cơ hội để chúng ta tự học tập và học tập đồng nghiệp, làm sâu sắc hơn kiến thức của bản thân mình. Nếu không có thao giảng, mỗi chúng ta sẽ lại lặp lại chính mình và lặp lại người khác. Sự sáng tạo bị bó hẹp, giờ học trở nên nhàm chán. (Tất nhiên, việc học phải diễn ra thường xuyên, nhưng thao giảng là một động lực thúc đẩy quá trình học tập đạt kết quả mạnh mẽ, cụ thể và rõ ràng nhất). Vì áp lực thao giảng, vì có Ban giám hiệu nhà trường và các đồng nghiệp dự giờ, đánh giá nên chúng ta buộc phải học để có kiến thức sâu sắc và tinh tế hơn thường ngày. Tôi không nghĩ đây là đối phó hay bệnh thành tích. Mà tôi nghĩ: Chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi giờ thao giảng (về cả kiến thức và phương pháp) là sự trân trọng đối với bản thân mình, đối với học trò và đối với đồng nghiệp. Vì thế, mỗi giờ thao giảng nên là một bữa tiệc, dự tiệc ai cũng thấy vui, thấy ngon và hạnh phúc. Kiến thức trong mỗi giờ thao giảng cần đầy đặn và sâu sắc. Điều đó có được bởi ta cần học tập, bởi ta cần trân trọng mọi người. Giá mà giờ nào cũng được giáo viên coi là giờ thao giảng, thì kiến thức của người giáo viên sẽ sâu sắc biết bao nhiêu. Sau mỗi lần tìm tòi và sáng tạo, kiến thức sẽ đọng mãi tôi và không thể bị tàn phai.

Đó là lí do khiến tôi chưa bao giờ thao giảng lại bất cứ một bài nào, trong quãng đời dạy học của mình, khi đã thực hiện thành công. Có duy nhất một lần, tôi đã thao giảng lại bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh. Vì sau giờ dạy lần đầu, cô Nguyễn Thị Nhiếp (lúc đó là Hiệu trưởng nhà trường) đã tâm sự với tôi. Tôi quyết định, tìm bằng được lí do vì sao mình lại chưa thuyết phục được học trò, chưa thuyết phục được giáo viên đến dự… Tìm một cách dạy mới để thành công, là điều tôi khao khát. Trong cách dạy mới ấy, tôi phải khác tôi trước đó về phương pháp, đặc biệt là kiến thức phải sâu, dày và đậm nét hơn. Cho dù cảm xúc vẫn nồng nàn.

III. Kết luận

Mỗi thầy cô giáo đều có những “Ý tưởng hay - Kinh nghiệm quý” trong quá trình dạy học. Tôi hy vọng, qua các bài viết của mỗi thầy cô, tôi sẽ học tập được nhiều hơn ở các đồng nghiệp yêu thương. Bản thân tôi nhận thấy, người giáo viên, nhất là giáo viên dạy Ngữ văn cần nồng nàn trong cảm xúc và sâu sắc trong kiến thức đạt hiệu quả dạy - học cao.

Được học tập lẫn nhau là một hạnh phúc. Cảm ơn Ban giám hiệu nhà trường đã sáng tạo khi đề ra chuyên mục “Ý tưởng hay - Kinh nghiệm quý” để giáo viên chúng tôi được chia sẻ những điều mình tâm đắc. Được học hỏi lẫn nhau để các giờ học, môn học ngày càng trở nên ý nghĩa. Bởi dạy học không đơn thuần là một công việc để nuôi sống bản thân, gia đình. Mà tôi luôn quan niệm, đây là nghề thật sự cao quý. Chúng tôi đã và đang góp phần nhỏ bé của mình vào thành công của nhà trường và sự nghiệp giáo dục nước nhà. Trong niềm vui chung ấy, mỗi giáo viên chúng ta có một gia tài vô cùng to lớn. Đó là niềm tin yêu của các thế hệ học trò, sự trân quý của biết bao cha mẹ học sinh. Thiết nghĩ, niềm hạnh phúc ấy, chẳng nghề nào có được.

Thạc sĩ Lê Thị Hồng Hạnh

Tổ trưởng Tổ  Ngữ văn