Cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên - Giáo viên chủ nhiệm lớp 10A5, tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ đã nhận thấy học trò của mình có tiến bộ khi được bồi đắp kiến thức xã hội để điều chỉnh hành vi và nuôi dưỡng ước mơ. Đó là Các con đã thực sự tạo nên một tập thể có tinh thần học tập, ham hiểu biết, khao khát khám phá thế giới xung quanh một cách văn minh hơn. Ban Truyền thông xin trân trọng giới thiệu bài viết chia sẻ của cô về kinh nghiệm "dạy người" trong công tác chủ nhiệm.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Nhiều năm tham gia công tác chủ nhiệm ở trường Phan Huy Chú. Tôi trải nghiệm, tôi thấu hiếu, thấm thía sự tận tụy của thầy cô dành cho học sinh thân yêu của mình. Học sinh có cảm nhận được sự chăm chút của chúng ta không - câu trả lời "đại đa số là có". Nhưng học sinh - đặc biệt là của hai khóa gần đây mà tôi chủ nhiệm có những nhìn nhận tiêu cực về xã hội, câu nói, lời bình luận, chia sẻ không đúng mực trên mạng xã hội hoặc thờ ơ không quan tâm các vấn đề xã hội xung quanh mình.
Tôi hiểu đó là sự tác động từ xã hội, từ quan điểm của cha mẹ các con trong gia đình. Từ đó tôi mong muốn bồi đắp kiến thức xã hội, điều chỉnh hành vi và nuôi dưỡng ước mơ cho học sinh lớp mình chủ nhiệm.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên trong phần sẻ chia kính nghiệm Chủ nhiệm lớp
NỘI DUNG
Về phía nhà trường, Ban giám hiệu đã nhận thức rõ vai trò của kỹ năng sống đối với học sinh trong quá trình hình thành nhân cách và giá trị sống nên đã thiết kế tiết học bộ môn này vào một buổi sinh hoạt thứ 6 hàng tháng. Cá nhân tôi không đi theo chuyên đề nào mà giải quyết vấn đề nảy sinh khi các con tham gia các hoạt động học tập và rèn luyện ở trường hàng ngày. Cô trò cùng chia sẻ vào thứ 6 hàng tuần (trừ tuần dạy kỹ năng sống theo kế hoạch của nhà trường)
1. Bồi đắp kiến thức xã hội bằng những tin tức thời sự nóng.
Nhà văn Francis Bacon nói: “Tri thức là sức mạnh”. Sau này Lê-nin, một nhà triết học, nhà chính trị vĩ đại đã phát triển thành: “Tri thức là sức mạnh. Ai có tri thức người đó có sức mạnh”. Tri thức theo cá nhân tôi hiểu nó bao gồm kiến thức từ sách vở và kiến thức thực tế xã hội. Có trí thức con người thực sự sẽ quyền năng hơn. Phong cách giao tiếp sẽ hấp dẫn hơn, dễ dàng thuyết phục người khác hơn trong các cuộc tranh luận hay cao hơn là đàm phán. Thực tế hàng ngày học sinh tiêu tốn nhiều thời gian để lướt webs, facebook tuy nhiên chủ yếu chát chít, những kiến thức xã hội rất mơ hồ vì vậy tôi như người định hướng lại cách khai thác và tiếp nhận kiến thức xã hội cho các con. Cô trò tôi trao đổi những vấn đề, khái niệm như Thể chế chính trị các nước, của Việt Nam. Tại sao có khái niệm Cách mạng mùa xuân Ả-rập? Đất nước NewZealand tươi đẹp thế nào? Tại sao nói Nga có nền văn hóa vĩ đại? Hay tại sao người nước ngoài không thích bị nhận nhầm là người Úc? Những quốc gia nào nhỏ nhất thế giới và đặc điểm của nó? Nên đọc những tác phẩm văn học kinh điển nào? 10 bộ phim lãng mạn nhất thế giới nên xem? Tại sao học sinh nữ nên học phong cách quản lý gia đình theo phong cách người Nhật và Việt Nam? Tại sao học sinh nam lại nên đọc truyện và xem phim dã sử Trung Quốc. Khái niệm Tam hợp, xung khắc trong tuổi tác là sao?..... Thời sự hôm nay có gì? ...Và tôi thấy học sinh rất thích.
Tôi ngạc nhiên lắm khi hỏi các con về tình hình học tập và mục tiêu cuộc đời. 90% các con nói muốn du học, muốn ra đi vì chán Việt Nam. Tôi rất sốc và buồn vì cách nói của các con. Có thể thực tế ý của các con không phải 100% là như vậy, vẫn còn học sinh có tư tưởng đi học để tiếp nhận kiến thức tiên tiến của thế giới để về cống hiến cho đất nước, thay đổi đất nước. Tôi vẫn tin như vậy. Nhưng lúc đó tôi bắt đầu phân tích, rồi định hướng cho các con về cách nhìn nhận con người, tổ quốc thân yêu và nhấn mạnh đừng nói câu này với người nước ngoài. Bởi khi đánh giá một con người, người ta thấy rằng: Một người không yêu không bao dung với người thân của mình thì không thể yêu ai khác. Nếu có chỉ là tỏ ra như vậy hoặc là đỉnh cao của nghệ thuật giao tiếp mà được gọi bằng một từ khéo mà thôi. Tương tự nếu bạn không tự hào về quê hương, tổ quốc mình thì không thể được sự đánh giá cao từ người khác được. Người nước ngoài họ cũng có lòng tự tôn dân tộc và tự hào về nơi sinh ra của họ rất cao.
Khi tiếp nhận được những thông tin xấu trên mạng, học sinh của chúng ta thường có thói quen share đầy nhiệt tình mà không biết rằng mình đang vô tình tiếp tay cho những kẻ phá hoại, hoặc làm cho tình hình trở nên bi đát hơn. Chuyện buồn vui tốt xấu gì cũng share trên mạng liệu có ổn không?
Hoặc hiện tượng học sinh dè bửu người nhà quê, quan hệ nam nữ, bình đẳng giới. Chuyện ly hôn ngày càng nhiều, vì saokhông nên xét nét mà bao dung , nhìn điểm tốt của bạn bè để ứng xử , thái độ học tập. Việc giúp một ai đó hoặc cho người ăn xin - phải chăng mình thiệt? Những hiện tượng này tôi thiết nghĩ- nếu có thể - chúng ta tìm hiểu phân tích định hướng lại cho các con.
3. Bồi dưỡng ước mơ
Những năm tháng học tập dưới mái trường PTTH các con đang rất háo hức khám phá tìm hiểu tương lai sẽ ra sao. Cho nên những chia sẻ về đời sống sinh viên, cơ hội gặp gỡ các bạn bè đến từ nhiều vùng miền khác nhau của đất nước cũng làm các con thấy hấp dẫn và thêm động lực phấn đấu. Phân tích ưu khuyết điểm bản thân mỗi hs và điều kiện kinh tế gia đình để chọn ngành nghề phù hợp.
Phân tích cho các hs nữ hiểu với lợi thế xinh đẹp và khéo léo cộng việc không ngừng trau dồi kiến thức sẽ làm cho các con có cơ hội kiếm việc làm và chọn được bạn đời phù hợp cũng là đề tài hấp dẫn.Nếu các con chăm chỉ học tập và rèn luyện thì các con có nhiều có hội hơn để sống và làm việc trong môi trường đòi hỏi trí tuệ ngày càng cao trong tương lai. Và rằng mỗi tiến bộ ngày hôm nay sẽ phần nào quyết định vẻ đẹp của người bạn gái -người vợ các con tăng theo từng sen-ti-met trong tương lai. Và chỉ khi có điều kiện thì mới có thể báo hiếu bố mẹ một đàng hoàng. Vì vậy tất cả đều phải cố gắng, cố gắng và không ngừng cố gắng vì một tương lai tươi sáng hơn.
Ai đó từng nói "Tư tưởng không thông vác bình tông cũng nặng" nên trong quá trình giáo dục tôi luôn mong muốn làm thay đổi thái độ đối với học tập và nhiều hoạt động khác của học sinh theo hướng tích cực trước rồi mới đến hành vi . Tôi cảm nhận thấy học sinh có sự chuyển biến về nhận thức và thái độ đối với cuộc sống, học tập và các mối quan hệ khác. Các con đã thực sự tạo nên một tập thể có tinh thần học tập, ham hiểu biết, khao khát khám phá thế giới xung quanh một cách văn minh hơn. Có thể những điều tôi viết ở đây không mới với nhiều anh chị em đồng nghiệp, nhưng trong quá trình tham gia công tác chủ nhiệm tôi chú ý phần này để giáo dục học sinh, nên xin mạo muội chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên - Giáo viên chủ nhiệm lớp 10A5, tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ