NĂM HỌC CẦN VỮNG VÀNG, SÁT CÁNH HƠN ĐÃ KHỞI ĐỘNG NHƯ THẾ!
(17:14:05 PM 13/09/2024)

Ngay sau Ngày khai giảng 5/9/2024, khi niềm vui của ngày khai trường vẫn còn âm vang trong lòng thầy cô giáo và học sinh trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, thì cơn bão số 3 mang tên Yagi đã kéo đến vào chiều ngày 6/9/2024. Dù đã được dự báo là một siêu bão, nhưng sức tàn phá của nó còn vượt xa những gì nhiều người có thể dự đoán. Cả khu vực miền Bắc, bao gồm cả Thủ đô Hà Nội, đã phải chịu những ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão khủng khiếp này. Với hầu hết các nhà trường ở miền Bắc, có thể coi đây là thử thách dữ dội ngay sau tiếng trống khai trường. Nhưng chính từ thách thức bởi bão tố này mà một năm học cần vững vàng hơn, cần mạnh mẽ hơn và cần sát cánh đã được khởi động.

Công nghệ luôn là giải pháp
Trong bối cảnh mưa bão, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Trần Thế Cương đã trực tiếp đến động viên thầy và trò khu vực ở ngoài đê của Hà Nội đang bị ảnh hưởng của mưa lũ. Sở GD&ĐT Hà Nội đã kịp thời chỉ đạo việc tổ chức học trực tuyến để đảm bảo an toàn cho học sinh và thầy cô giáo. Để thực hiện tốt chỉ đạo này, các cơ sở giáo dục cần phải có nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin thường xuyên. Nếu chỉ đến khi cần mới khởi động vội vàng thì khó có thể ứng phó kịp thời và có hiệu quả thực chất. Cũng như một số trường ở Hà Nội, từ lâu, trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa đã đặt trọng tâm vào việc phát triển nếp học tiên tiến cho học sinh, nên ngay từ khi năm học mới chưa chính thức bắt đầu, một số hoạt động chuẩn bị, một số nội dung học tập đã được tiến hành thông qua hình thức trực tuyến. Trước thời kỳ dịch bệnh Covid-19, nhà trường có khẩu hiệu “Gốc kiến thức – Sức công nghệ”, trong suốt mấy năm dịch bệnh, lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo rõ “Công nghệ không chỉ là phương tiện mà chính là giải pháp”. Sau dịch, không buông lơi những tiện ích mà công nghệ và dạy học trực tuyến đem lại, nhà trường vẫn xác định có dạy học kết hợp để toàn thể đội ngũ luôn hiểu rõ: Công nghệ luôn là giải pháp trong mọi tình hình.
Ứng phó nhanh để không có sự gián đoạn
Nhờ việc chuẩn bị sớm và kỹ lưỡng, các lớp học trực tuyến đã diễn ra thông suốt trong tuần cuối tháng 8/2024, tạo tiền đề dễ ổn định cho những ngày học chống bão đầu năm học 2024-2025. Nhà trường đã trang bị tài khoản Microsoft 365 cho toàn bộ học sinh, bao gồm 400 học sinh lớp 10 mới nhập học, và sử dụng ứng dụng Microsoft Teams để tổ chức các buổi học trực tuyến. Sự chủ động này đã giúp nhà trường vận hành hiệu quả hệ thống học tập, đặc biệt là trong những thời điểm khẩn cấp như cơn bão vừa qua. Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa đã từng chứng minh khả năng ứng phó nhanh chóng với các tình huống khẩn cấp khi trở thành một trong những trường học đầu tiên triển khai học trực tuyến thành công từ tháng 2/2020 trong đại dịch Covid-19. Với kinh nghiệm đó, ban lãnh đạo và đội ngũ giáo viên nhà trường luôn duy trì tinh thần chủ động trong việc ứng dụng công nghệ vào dạy học, ngay cả trong những thời điểm mọi thứ diễn ra bình thường. Nhà trường luôn kết hợp linh hoạt giữa học trực tiếp và trực tuyến, để nâng cao chất lượng giáo dục.
Khi bão Yagi đến, để đảm bảo an toàn cho học sinh, Ban giám hiệu nhà trường, đứng đầu là cô hiệu trưởng Cao Thanh Nga, đã nhanh chóng ra những quyết định đúng đắn. Nhờ sự linh hoạt này, học sinh của trường đã có thể tiếp tục học trực tuyến suôn sẻ trong suốt 6 buổi học ngay trong tuần đầu năm học, sau khai trường. Dù không thể nói học trực tuyến hiệu quả bằng được như học trực tiếp, thậm chí còn có những bất cập do điện, đường truyền internet ngày mưa bão, nhưng việc vận hành thành công hệ thống trong bối cảnh bão lụt đã thể hiện sự chủ động và thích ứng nhanh của nhà trường. Trong đó, có công sức của học sinh cùng sự tạo điều kiện của hơn 1000 gia đình học sinh.
 
 
Nhà trường chống bão lụt, duy trì dạy học bằng công nghệ
Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa là sự lựa chọn của nhiều phụ huynh trên địa bàn Hà Nội, và với tình trạng cây đổ, ngập lụt khắp các tuyến phố, việc tổ chức học trực tuyến đã ngăn chặn nguy cơ gián đoạn kiến thức và nếp học từ đầu năm học. Điều này không chỉ thể hiện khả năng ứng phó với thời tiết khắc nghiệt mà còn khẳng định tầm nhìn và sự kiên trì của nhà trường trong việc kết hợp hiệu quả giữa học trực tiếp và trực tuyến. Những ngày học trực tuyến, không tránh khỏi lúc thầy cô và học sinh vị lỗi mạng, hay có những khu vực bị cắt điện tạm thời, nhưng nhờ sự chỉ đạo rõ ràng về chuyên môn và công nghệ của cô giáo Phó Hiệu trưởng Ngô Thị Thành, chỉ đạo sâu sát về nền nếp và nội quy học trực tuyến của cô giáo Phó Hiệu trưởng Dương Thị Thu Hà nên việc khắc phục khó khăn đã nhanh chóng được giải quyết. Ngay sau ngày học trực tuyến đầu tiên, BGH đã tổ chức tập huấn, rút kinh nghiệm nâng cao cho đội ngũ giáo viên của nhà trường về các biện pháp quản lý lớp học online và cách xử lý những lỗi kỹ thuật có thể gặp. Người hướng dẫn là thầy giáo Trần Văn Huy – Tổ trưởng Tổ Tự nhiên, thành viên Tổ giáo viên Đồng hành sáng tạo của nhà trường.
 
 
Quan điểm thống nhất từ người đứng đầu đến toàn đội ngũ
Đặc biệt, trong quá trình học trực tuyến những ngày mưa bão, những chỉ đạo của cô giáo Hiệu trưởng Cao Thanh Nga luôn giúp cho đội ngũ giáo viên và học sinh cùng gia đình các em thấy ấm lòng. Đó là những lời động viên, thông cảm và sẵn sàng chia sẻ với tất cả các trường hợp học sinh và gia đình học sinh gặp khó khăn vì mưa, bão, ngập lụt. Những tin nhắn trong từ người đứng đầu nhà trường đã được gửi đi: “Kính thưa các thầy cô chủ nhiệm! - Nhiều nơi ngập úng, bị cắt điện nên ko thể học trực tuyến được. Khi CMHS xin phép, các thầy cô cho con nghỉ học và học sinh sẽ chủ động học bù lại bài sau. Trong lúc này, giữ sức khoẻ, đảm bảo an toàn là quan trọng nhất. Các thầy cô thường xuyên động viên tinh thần cho học sinh và nắm bắt tình hình gia đình các con của chúng ta. Nếu cần giúp đỡ hoặc có điều gì bất thường, các thầy cô báo ngay về cho Hiệu trưởng và Ban Giám Hiệu nhà trường.
 
Đồng lòng, chung tay vượt qua thử thách
Hưởng ứng Lời kêu gọi “Nhân dân Thủ đô tham gia ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ” của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, cô Hiệu trưởng nhà trường đã có Thư kêu gọi quyên góp ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ. Hiện các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ cùng các thế hệ học sinh của nhà trường đã và đang tích cực quyên góp và sẵn sàng giúp đỡ những trường hợp học sinh và gia đình cần có sự hỗ trợ của nhà trường.