Đối với mỗi học sinh, khả năng tiếp thu môn Tự nhiên nói chung và môn Hóa nói riêng là ở các mức độ khác nhau. Ban Truyền thông xin giới thiệu phần chia sẻ của cô giáo Lê Thị Lan Anh, Tổ trưởng tổ Hóa - Sinh về một số cách mà tôi đã áp dụng nhằm mục đích là mong muốn các em học sinh tích cực hơn trong giờ học chuyên đề.
Đặc thù của lớp học chuyên đề là học sinh từ nhiều lớp trong khối góp mặt, giáo viên dạy cả học sinh lớp mình dạy chính khóa và cả học sinh của thầy cô khác. Các hay là học sinh được học cùng với đa số các bạn cùng trình độ, được học với không những thầy cô trên lớp mà còn được tiếp cận với phương pháp của các thầy cô lớp chuyên đề. Tuy nhiên cũng có những khó khăn như: các thầy cô không nắm được từng học sinh của các lớp, có thể các lớp dạy hơi nhanh hay hơi chậm hơn (do nhiều nguyên nhân) dẫn đến chênh lệch về mạch dạy. Nhưng vấn đề khó nhất không phải những điều tôi vừa nêu, mà khó nhất là làm sao các con tích cực trong giờ học và sao cho các con phải làm việc một cách hiệu quả nhất.
Đối với mỗi học sinh, khả năng tiếp thu môn Tự nhiên nói chung và môn Hóa nói riêng là ở các mức độ khác nhau. Các con đăng kí học chuyên đề Hóa, nhưng có con chỉ đặt ra mục tiêu là môn xét tổ hợp trong bài xét tốt nghiệp, có con lại chọn để thi khối A, B (thi đại học) vì vậy, mức độ đầu tư thời gian cho học tập, ý thức quyết tâm trong học tập và sự nghiêm túc cũng khác nhau.
Chính vì vậy tôi đã phân công nhiệm vụ rất cụ thể: Giáo viên chỉ định mỗi học sinh chữa 1 số câu trong đề cương, sau đó lần lượt gọi lên bảng, chia bảng làm 4 phần, mỗi lượt kiểm tra được 4 học sinh. Các con có thể trao đổi bài với nhau, miễn là biến thành kiến thức của mình để lên bảng làm được. Với cách làm này, mặc dù học sinh có thể chỉ chú tâm vào bài nào mình được phân công làm, tuy nhiên học sinh luôn phải cố gắng ngồi tự làm bài hoặc trao đổi với bạn để làm được bài mà giáo viên đã chỉ định trước. Nhưng cũng có những tình huống học sinh quá lười không chịu làm bài, vậy giáo viên cần phải làm gì?
Đối với học sinh cố tình không chịu làm bài, thường là học sinh yếu kém cả về kiến thức lẫn ý thức, giáo viên nên phân công cho những học sinh này vào các câu dễ hơn, khi kiểm tra các con đều được đánh giá điểm. Nếu học sinh lên bảng đến lần thứ 2, lần thứ 3 mà vẫn không làm được, mặc dù giáo viên đã tạo điều kiện cho bài dễ hơn, và hoàn toàn là do ý thức thì giáo viên dạy chuyên đề nên lấy đó làm hồ sơ để nhận xét và đánh giá về học sinh đó trong lớp chuyên đề.
Cô giáo Lê Thị Lan Anh - Tổ trưởng tổ Hóa - Sịnh chia sẻ về cách thu hút học sinh
Ngoài cách trên, có những giờ tôi cho học sinh ngồi thành nhóm, mỗi nhóm có 1 đến 2 học sinh học tốt nhất nhóm phụ trách, các bạn giảng bài cho nhau để hoàn thành một số bài tập cô giáo yêu cầu, đến khi nào cả nhóm hoàn thành thì có thể nhóm đề nghị được kiểm tra, giáo viên gọi ngẫu nhiên một vài cá nhân trong nhóm lên chữa một vài bài bất kỳ và đánh giá kết quả làm việc của nhóm. Cách làm này học sinh cũng tương đối thích bởi học sinh giảng cho học sinh cũng là điều các con dễ hỏi, dễ tiếp thu, đôi khi nhiều điều các con ngại hỏi thầy cô. Lúc này vai trò của thầy cô là chuyên gia, nếu bạn phụ trách nhóm gặp khó khăn trong bài nào đó, hoặc gặp khó khăn về vấn đề diễn giảng mà các bạn khó hiểu, thì thầy cô sẽ hỗ trợ, thầy cô bao quát lớp học, nhắc nhở về kỷ luật và hỗ trợ các nhóm mỗi khi cần đến vai trò của chuyên gia.
Tất nhiên không phải giờ nào chúng ta cũng áp dụng các cách này, tôi thấy còn nhiều cách làm hay nữa của đồng nghiệp, rất mong các bạn cùng chia sẻ để chúng ta có thêm nhiều kinh nghiệm quý, nhiều ý tưởng hay giúp nhau vững tay chèo và yêu nghề hơn. Xin chân thành cảm ơn!
Cô giáo: Lê Thị Lan Anh
Tổ trưởng tổ Hóa - Sinh