Giúp HS xây dựng động cơ học tập đúng đắn là bí quyết dạy học thành công
(14:26:26 PM 10/05/2018)

"Giúp học sinh xây dựng động cơ học tập đúng đắn - Bí quyết giúp học sinh yêu thích môn học và đạt kết quả như mong đợi" là bài chia sẻ Kinh nghiệm quý - Sáng kiến hay của cô giáo Lê Thị Hồng Vân - GV Bộ môn Tiếng Anh.

 

Cô giáo Lê Thị Hồng Vân - GV Bộ môn Tiếng Anh trong phần chia sẻ kinh nghiệm quý

Động cơ học tập đúng đắn có ảnh hưởng to lớn đến thái độ, cách học của học sinh và do đó quyết định kết quả học tập của các con. Động cơ học tập đúng đắn sẽ hướng học sinh tới một mục tiêu học tập đúng đắn, từ đó các con sẽ dành nhiều thơi gian, công sức cho môn học hơn và như vậy việc có được kết quả như mong muốn sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Tuy nhiên không phải học sinh nào cũng có được động cơ học tập đúng đắn, thậm chí là không có động cơ học tập, đặc biệt là với môn tiếng Anh một môn học vốn được cho là chỉ dành cho những người có năng khiếu.

Biểu hiện của học sinh không có động cơ học tập là luôn có động cơ thoái thác việc học nên các con luôn nghĩ ra lí do để bao biện cho việc không học bài và làm bài của mình vì các con vốn nghĩ “Vì sao mình lại phải làm bài tập này?”

Theo quan sát của mình, tôi thấy có 2 nguyên nhân khiến các con không có động cơ học tập: Một là các con thực sự không thấy môn tiếng Anh thú vị với mình hoặc không thấy ý nghĩa thực sự của việc học tiếng Anh ngoại trừ việc vượt qua các bài thi bắt buộc. Hai là, các con có mong muốn học, có thấy được giá tri, thấy được ý nghĩa của việc học tiếng Anh đối với các con cả ở hiện tại lẫn cơ hội nghề nghiệp trong tương lại nhưng do mất gốc, không theo được chương trình nên các con tự ti, thiếu kiên trì rồi dần thành bỏ rơi môn học. Nhưng đặc điểm chung của học sinh không có động cơ học là những học sinh học không tốt môn học.

Vậy cần phải làm gì để hỗ trợ học sinh khi các con không có động cơ, không có hứng thú học môn học của mình dạy? Theo kinh nghiệm của tôi thì điều tiên quyết mà chúng ta cần làm là thay đổi nhận thức của học sinh - cần khiến cho học sinh thấy là nếu các con đủ nỗ lực, các con sẽ thành công (trường hợp của HS Đặng Hiếu Nam – 11D4). Sau đó là phải sâu sát, gần gũi, quan tâm đến học sinh để biết được điều gì sẽ kích thích được học sinh học tập ví dụ như không khí giờ học, sự thân thiện hay sự nghiêm khắc của giáo viên …. Ví dụ 11D2 các con muốn giờ học phải nghiêm túc, có sự tập trung cao, nhịp độ nhanh, trong khi 11D3, 11D4 lại muốn không khí giờ học phải nhẹ nhàng, không cứng nhắc (giáo viên phải biết nói ngôn ngữ của các con).

Những việc cụ thể tôi đã làm để giúp các con có được sự yêu thích môn học để rồi các con đã và sẽ học tốt.

·        Làm cho các con thấy mình không dốt, mình hoàn toàn có thể học được môn học.

·        Thận trọng trong việc giao các nhiệm vụ học tập cả ở trên lớp, cả ở nhà cho các con để đảm bảo các con có đủ thời gian để làm và hoàn toàn có thể làm được ít nhất  ¾ bài tập được giao. (Chia các nhỏ các nhiệm vụ học tập để các con dễ dàng giải quyết)

·        Luôn lồng nội dung bài học với các nội dung mà các con yêu thích hoặc quan tâm.

·        Gắn các nội dung bài học với các hoạt động sống thực của các con. (Hệ thống câu hỏi và ví dụ minh họa)

·        Nhưng quan trọng hơn đó là phải thay đổi cách dạy của mình cho phù hợp với mong muốn và nhu cầu của học sinh. Nhiều khi phải thiết kế lại bài tập trong sách giáo khoa hoặc thay đổi yêu cầu (có khi làm cho dễ hơn có khi lại phải làm cho khó hơn).

·        Và cuối cùng, điều tôi thấy là khi giáo viên chú trọng tới sự tiến bộ của từng cá nhân học sinh sẽ làm cho học sinh thực sự hứng thú, đó cũng là giáo viên chú trọng tới sự tiến bộ của từng cá nhân học sinh. Lấy sự tiến bộ của mỗi học sinh, so với chính học sinh đó và so với yêu cầu cần đạt  - chuẩn kiến thức kĩ năng) sau mỗi giai đoạn học tập làm cảm hứng cho học sinh tiếp tục phấn đấu chứ không chỉ so sánh kết quả của học sinh này với học sinh khác.

Cô giáo Lê Thị Hồng Vân