Quản lý lớp chủ nhiệm với sự hỗ trợ của một số phần mềm ứng dụng CNTT
(14:09:47 PM 10/05/2018)

Nếu như trước đây để xếp loại học sinh ở các mặt khác nhau, giáo viên chủ nhiệm dựa nhiều vào cảm tính của bản thân, học sinh sẽ ít có căn cứ để đối chiếu. Thì hiện nay, việc ứng dụng CNTT sẽ giúp cho công tác chủ nhiệm khách quan và chính xác hơn nhiều. Ban Truyền thông xin trân trọng giới thiệu bài chia sẻ của thầy giáo Hà Văn Thọ về công việc nêu trên.

Hiện nay việc ứng dụng CNTT vào trong quản lý lớp chủ nhiệm không còn quá mới mẻ với hầu hết các thầy cô giáo chủ nhiệm, đặc biệt là các thầy cô giáo chủ nhiệm ở trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa. Việc này đã giúp cho công tác chủ nhiệm trở nên nhàn hơn, đơn giản hơn, chính xác hơn và có sự cập nhật nhanh chóng hơn. Vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm nhỏ trong việc quản lý lớp chủ nhiệm dựa trên một số phần mềm CNTT mà tôi thấy có thể vận dụng được ở nhiều lớp.

1. Lấy ý kiến khảo sát của học sinh

- Phần mềm: Form hoặc excel survey trong O365.

- Uu điểm: Nếu như trước đây muốn lấy ý kiến học sinh, giáo viên chủ nhiệm phải làm phiếu, phát rồi thu lại để tổng hợp. Học sinh khi nhận phiếu dễ bị tác động của nhân tố xung quanh dẫn đến các ý kiến nhiều khi chưa thực sự đúng như suy nghĩ của học sinh. Nhờ việc sử dụng ứng dụng này, học sinh có thể đưa ra nhận xét của mình ở bất kì đâu, miễn là các con được cung cấp đường link. Giáo viên chủ nhiệm có thể nhanh chóng thu thập được các thông tin phản hồi của học sinh mà không phải tổ chức họp lớp. Các ý kiến của học sinh có thể nhanh chóng chuyển tới các đối tượng mà giáo viên chủ nhiệm đưa ra: giáo viên bộ môn, phụ huynh học sinh, học sinh trong lớp, ban giám hiệu…

- Thời gian áp dụng: đầu kì, giữa kì và cuối kì.

- Các mảng có thể áp dụng:

+ lấy thông tin sơ yếu lý lịch

+ đánh giá ưu điểm và hạn chế của các bạn trong lớp nhằm giúp giáo viên chủ nhiệm có sự đánh giá hạnh kiểm chính xác hơn

+ góp ý việc giảng dạy của giáo viên bộ môn

+ góp ý việc quản lý của giáo viên chủ nhiệm

+ lấy ý kiến góp ý với cha mẹ học sinh

+ góp ý các hoạt động trong và ngoài lớp

2. Làm thông báo

- Phần mềm: Word, Excel, outlook trong O365.

- Ưu điểm: Nếu như trước đây để làm thông báo, giáo viên chủ nhiệm sẽ phải điền thông tin của từng học sinh một và phải đối chiếu số liệu từ nhiều nguồn khác nhau để điền. Học sinh khi nhận thông báo có thể làm mất dẫn đến thông tin tới phụ huynh bị chậm chễ hoặc có thể không chính xác. Nhờ việc sử dụng tính năng trộn thư và bảng tính trong Word và Excel, giáo viên chủ nhiệm chỉ cần thiết lập mẫu một lần duy nhất, sau này chỉ cần chỉnh sửa số liệu tương ứng vào mẫu là sẽ có kết quả nhanh chóng, tốn ít thời gian, công sức. Bên cạnh đó, ngoài việc gửi thông báo bằng giấy, giáo viên chủ nhiệm còn có thể gửi thông báo qua outlook, việc này đảm bảo học sinh sẽ không bị mất thông báo và phụ huynh có thể nhanh chóng cập nhật tình hình của con.

- Thời gian áp dụng: hàng tháng, theo đợt

- Các mảng có thể áp dụng:

          + làm thông báo tháng

          + làm thông báo các hoạt động đột xuất

          + làm thông báo thu chi tài chính

          + làm thông báo thi đua khen thưởng

3. Xếp loại

- Phần mềm: Excel

- Ưu điểm: Nếu như trước đây để xếp loại học sinh ở các mặt khác nhau, giáo viên chủ nhiệm dựa nhiều vào cảm tính của bản thân, học sinh sẽ ít có căn cứ để đối chiếu. Nhờ việc đưa ra các con số chi tiết, hợp lí, công khai cùng với nhận xét đánh giá của nhiều bộ phận khác nhau, giáo viên chủ nhiệm dễ dàng đưa ra bảng xếp loại mà tất cả học sinh đều có thể đối chiếu chính xác.

- Thời gian áp dụng: hàng tháng, theo đợt

- Các mảng có thể áp dụng:

          + thi đua hàng tháng

          + lựa chọn học sinh tiêu biểu tháng, kì, đợt cao điểm

          + xếp loại hạnh kiểm, học lực

          + xếp loại hoạt động phong trào trong và ngoài lớp

          + xếp loại hoạt động học tập bộ môn

          + so sánh, đối chiếu kết quả giữa các đợt thi, giữa các nửa kì, học kì

 

          Trên đây là một số kinh nghiệm nhỏ mà chắc hẳn nhiều thầy cô cũng đã áp dụng cho công tác chủ nhiệm của mình. Tuy nhiên tôi xin chia sẻ bởi vẫn còn đâu đó những thầy cô mới làm chủ nhiệm hoặc tiếp cận chưa nhiều với CNTT có thể tham khảo để áp dụng cho mình, cũng giống như tôi khi mới làm chủ nhiệm, mới tiếp cận CNTT. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn học hỏi thêm từ đồng nghiệp, từ các thầy cô đã có kinh nghiệm lâu năm trong công tác chủ nhiệm để có thể đúc rút cho mình những bài học, từ đó đưa ra những sáng kiến mới, cải thiện và nâng cao công tác quản lý lớp chủ nhiệm được tốt hơn.

          Trân trọng cảm ơn và mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía các thầy cô, đặc biệt là các thầy cô chủ nhiệm!

Thầy giáo Hà Văn Thọ - GVCN lớp 12B1